Từ khoảng 1 triệu tên miền trong năm 2016, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại hơn 400.000 tên miền .vn. Điều gì đang xảy ra?
Đợt "thanh lọc" loại bỏ tên miền đầu cơ
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), từ năm 2007 bắt đầu cung cấp tên miền tiếng Việt miễn phí, tính tới tháng 7/2014, số lượng tên miền .vn đăng ký đã chạm mốc 1 triệu.
"Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy, sự quan tâm của cộng đồng và tiềm năng phát triển tên miền tiếng Việt, đánh dấu sự phát triển Internet ở Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng tên miền tiếng Việt có sử dụng các dịnh vụ, thực sự "sống" trên mạng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số tên miền đã đăng ký", đại diện VNNIC cho biết. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/1/2017, khi Thông tư 208/2016/TT-BTC có hiệu lực, tên miền tiếng Việt chính thức được thu phí 20.000 đồng/tên miền/năm.
Cùng với quy định này, nhằm hỗ trợ các chủ thể đã đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt trước ngày 31/12/2016, có đủ thời gian tiếp cận thông tin và thực hiện nộp phí duy trì sử dụng các tên miền tiếng Việt có ngày hết hạn trước 31/12/2016, thời hạn chậm nhất để duy trì tên miền đã được gia hạn tới hết ngày 31/3/2017. Sau thời gian này, các tên miền không được đóng phí duy trì sẽ được trả về trạng thái tự do, để các chủ thể khác có thể đăng ký sử dụng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của VNNIC, có khoảng hơn 746.000 tên miền tiếng Việt hết hạn sử dụng từ ngày 31/12/2016 và không thực hiện nộp phí duy trì theo quy định, đã được giải phóng về trạng thái tự do để cấp phát cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Thống kê của VNNIC cho hay, số lượng tên miền tiếng Việt đăng ký mới từ thời điểm áp dụng thu phí (1/1/2017 đến nay) là 4.211 tên miền và tính đến hết ngày 31/5/2017, có 400.000 tên miền .vn được duy trì sử dụng.
Cùng với quy định này, cơ quan chức năng cũng tiến hành một đợt thanh tra rộng nhằm vào các tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế. Theo đó, thời gian qua xuất hiện nhiều trang tin điện tử, website… có nội dung độc hại, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội. Các chủ thể đăng ký sử dụng tên miền quốc tế cho rằng, việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam là dễ dàng hơn và không chịu sự kiểm soát bởi các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), phần lớn các vi phạm trang thông tin điện tử, hoặc sử dụng các trang thông tin điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật… rơi vào các trang sử dụng tên miền quốc tế. Đặc biệt, đối với các trường hợp có chủ ý đăng ký tên miền với dụng ý xấu, các chủ thể thậm chí đăng ký dịch vụ ẩn thông tin để né tránh các quy định quản lý. Điều này đang làm khó và ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam
Ngoài việc siết lại quản lý tên miền quốc tế và bắt đầu thu phí tên miền tiếng Việt, theo các doanh nghiệp kinh doanh tên miền, còn có một nguyên nhân khác khiến số lượng tên miền suy giảm. Đó là từ tháng 7/2016, VNNIC quy định, nhà đăng ký tên miền Việt Nam phải áp dụng mức chiết khấu dành cho đại lý cấp dưới khi đăng ký, duy trì tên miền Việt Nam (.vn) không vượt quá 8%, tùy vào mỗi cấp đại lý.
Doanh nghiệp kêu khó
Ông Lý Gia Khang, Giám đốc Công ty Gia Hào cho biết, thông tin về việc giảm giá tên miền .vn, nhằm mục đích cạnh tranh với tên miền quốc tế khiến nhiều người vui mừng. Song niềm vui đó nhanh chóng bị dập tắt khi các Nhà đăng ký tên miền dù giảm giá đăng ký và duy trì theo đúng chủ trương của Bộ Tài Chính, nhưng lại phát sinh ra phí dịch vụ bằng đúng số tiền giảm giá để bù lại. Hệ quả là tác động của Thông tư 208/2016/TT-BTC dường như bằng 0 với doanh nghiệp kinh doanh tên miền.
"Tên miền .vn gần như đã bị tên miền quốc tế đánh ngã ngay tại "sân nhà", khi mà tên miền quốc tế giá chỉ khoảng 79.000 - 99.000 đồng còn tên miền .vn lại có giá 700.000 - 830.000 đồng. Tình trạng chuyển nhượng tên miền .vn hiện tại gần như bị đóng băng. Nếu tới đây tiếp tục ban hành chính sách thu thuế chuyển nhượng tên miền thì tôi e rằng, tên miền .vn sẽ tụt dốc", ông Khang nhận xét.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2016, Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử chiếm 45%. Nhưng tính đến tháng 6/2017, số tên miền được chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên website thongbaotenmien.vn chỉ có 158.367 tên miền.
Đại diện một đại lý kinh doanh tên miền khác cũng cho rằng, chi phí của tên miền .vn hiện tại đang ở mức quá cao, VNNIC nên có chính sách hỗ trợ giảm giá tốt hơn, triệt để phát triển tên miền .vn.
"Hiện các nhà đầu tư tên miền .vn đã chấp nhận bị thu hồi một lượng lớn tên miền để tập trung tài chính chuyển qua đầu tư tên miền quốc tế. Tôi nghĩ, VNNIC nên hợp tác tốt hơn với giới truyền thông để quảng bá tên miền .vn nhiều hơn", đại diện doanh nghiệp này đề xuất.
Còn theo ông Huỳnh Ngọc Duy, Giám đốc điều hành của Mắt Bão, một đại lý đăng ký tên miền, nhận xét, khi đăng ký, người đăng ký chọn tên miền còn chú ý đến yếu tố phổ dụng của tên miền. Nếu mức giá tên miền quốc gia và quốc tế không còn chênh lệch nhiều, khách hàng vẫn thường có xu hướng chuộng tên miền quốc tế hơn.
Có thể thấy, với những khó khăn hiện hữu nêu trên, việc đạt mục tiêu phát triển 600.000 tên miền .vn vào năm 2020 của VNIC là rất khó, nếu không có những giải pháp tháo gỡ ngay từ bây giờ.
Hữu Tuấn